Gạo lứt là loại ngũ cốc rất giàu dinh dưỡng, đặc biệt là các vitamin khoáng chất cùng chất xơ. Cơm gạo lứt có hương vị rất đặc trưng hấp dẫn nhưng để nấu gạo lứt thơm ngon dẻo bùi, thì không phải ai cũng biết cách. Tham khảo ngay các gợi ý từ Gia đình Nestlé để nấu cơm gạo lứt thơm ngon tại nhà và giữ nguyên các giá trị dinh dưỡng nhé!
Gạo lứt có nhiều loại: màu đỏ, đen và nâu vàng, thường có dáng dài hoặc tròn. Loại gạo lứt nào cũng rất tốt nhưng nên chọn mua gạo lứt đen hoặc gạo lứt đỏ vì chúng chứa nhiều giá trị dinh dưỡng và thơm ngon hơn gạo nâu vàng. Thêm vào đó, chúng ta cũng cần phân biệt giữa gạo lứt và gạo huyết rồng: gạo lứt đỏ, dáng thon dài, ăn vị hơi nhạt, còn gạo huyết rồng thì bẻ đôi có màu đỏ bên trong, ngọt vị hơn.
Khi lựa chọn, nên quan sát kỹ: gạo không bị mối mọt và đặc biệt, gạo phải trơn nhẵn, không bể vụn và còn lớp bóng áo nhẹ bên ngoài.
Nên ngâm gạo lứt trước khi nấu, bởi vì việc này sẽ giúp tăng thêm vị ngon của gạo, gạo sẽ mau chín, dẻo cơm hơn và kích thích sự tương tác hóa học giữa các chất dinh dưỡng có trong lớp cám gạo, từ đó làm mểm vỏ gạo lứt, giúp cho việc tiêu hóa dễ dàng hơn. Để kích hoạt dưỡng chất trong gạo lứt, tốt nhất là ngâm từ 8 đến 9 tiếng vào mùa hè, và khi trời lạnh hơn vào mùa đông, bạn nên ngâm gạo từ 9 đến 10 tiếng với nhiệt độ nước ấm khoảng 40 độ C nhé. Hiện nay, có một số nồi cơm điện hiện đại đã cập nhật chức năng nấu cơm gạo lứt rồi, bạn có thể sử dụng chức năng này để bỏ qua bước ngâm gạo, khi nấu, hãy chọn tính năng "Gaba" - tức là nấu gạo lứt đấy, tuy nhiên, chức năng này cũng sẽ lâu hơn nấu cơm thường khoảng 30-60 phút nhưng cơm thành phẩm chỉ khoảng 80% độ ngon, có thể dùng cho những ngày bận rộn hoặc nấu ăn thường ngày.
Gạo lứt ngon nhất là khi được nấu bằng nồi áp suất inox và lửa ga, thay vì nồi cơm điện được nấu bằng nhiệt điện từ. Nồi áp suất inox khiến cơm chín dần từ trong ra ngoài, không làm nát hạt cơm nên giữ được nhiều dưỡng chất. Hơn nữa, nồi áp suất inox giúp tiết kiệm năng lượng và hạn chế các chất không tốt cho sức khỏe hơn, so với nồi áp suất nhôm. Ngoài ra, bạn cũng có thể nấu bằng nồi cơm điện với cách nấu cơm như bình thường, tuy cơm sẽ không được dẻo thơm bằng. Bạn nên nhớ cho nước vào ngập gạo hơn 1 lóng tay, rồi nấu khoảng 1 tiếng đồng hồ nhé. Gạo lứt không chỉ bổ dưỡng mà lại rất ngon, nếu nhai kỹ, càng ăn lại càng ngọt thơm đấy.
Vì đặc tính riêng, mà gạo lứt mất gấp đôi thời gian nấu so với gạo cơm trắng thường. Cho dù là loại gạo lứt nâu vàng, đen hay đỏ, được nấu bằng nồi áp suất hay nồi cơm điện thì thời gian nấu cơm gạo lứt cũng gần 1 tiếng đồng hồ.
Ngoài ra, bạn cũng cần quan tâm đến tỉ lệ đong nước cho 2 loại gạo lứt phổ biến sau: tỉ lệ gạo lứt đỏ: nước là 1:2 và tỉ lệ gạo lứt đen: nước là 1:1,7 đấy. Bạn cũng có thể thêm vào ¼ muỗng cà phê muối khi nấu, để cơm được đậm đà hơn hoặc một miếng rong biển phổ tai hay một trái mơ muối vào nồi gạo lứt, khi chín cơm sẽ rất thơm và giàu năng lượng hơn đấy
Với những mẹo nhỏ hữu ích trên, bạn sẽ tự tay nấu được cơm gạo lứt thơm ngon, hấp dẫn với từng hạt cơm chín nở vừa tới, búp nước và mềm dẻo đúng chuẩn dinh dưỡng đấy. Chúc bạn luôn vui khỏe ^^
Nguồn: Gia Đình Nestlé tổng hợp
Ảnh: TinyPic