Body

Ba mẹ cần làm gì khi bé “nhõng nhẽo”?

01 - 08 - 2020
Description
Những lúc bé "nhõng nhẽo" luôn khiến bố mẹ khó xử. Vậy làm sao để điều chỉnh thói quen này của bé và hướng bé đến cách cư xử tích cực hơn?

Ba mẹ cần làm gì khi bé “nhõng nhẽo”?

Ở tuổi mẫu giáo, bé “nhõng nhẽo” là dấu hiệu thường thấy để nhận được sự chú ý và được mọi người quan tâm hơn. Và không ít bố mẹ sẽ chọn cách nuông chiều, làm theo ý con muốn để con thôi “mè nheo”. Tuy nhiên, đây có phải là cách xử lý tốt nhất hay chỉ là một biện pháp tức thời? Cùng xem qua bài viết để hiểu thêm nhé!

Mẹ yêu có thể tham khảo thêm các phương pháp dạy con hiệu quả sau:

  1. Vượt qua cơn vòi vĩnh của con
  2. Làm sao để con tự lập, mạnh mẽ hơn?
  3. Những điều bố mẹ cần nói với bé mỗi ngày
  4. Bé giúp mẹ việc nhà, nhà sạch đẹp mẹ tươi vui

Và hãy cùng tìm hiểu cách dạy con khi bé nhõng nhẽo mẹ nhé!

1. Vì sao trẻ lại “nhõng nhẽo”

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bé hay nhõng nhẽo. Có thể trẻ cảm thấy khó chịu trong người, muốn được bố mẹ ôm ấp và cưng nựng. Hoặc con muốn có cảm giác an toàn, che chở từ người thân nên sẽ làm đủ mọi cách để gây chú ý cũng như được quan tâm chăm sóc. Phổ biến hơn là bố mẹ hoặc người thân quá nuông chiều để bé “muốn gì được nấy”mỗi khi “mè nheo” bé đều được đáp ứng nên sẽ thường xuyên nhõng nhẽo để đạt được điều mình muốn. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết theo cách hợp lý nhất để khắc phục được tình trạng này của bé nhé.

2. Nên làm gì khi bé  “nhõng nhẽo”

Xác định xem có phải con đang nhõng nhẽo

Bạn có thể xác định bé có đang nhõng nhẽo hay không dựa theo tiếng khóc của bé. Nếu bé khóc vì buồn hay tổn thương sẽ có xu hướng cố nén (tiếng khóc vẫn bật ra), né tránh những quan tâm của mọi người và thu mình vào góc riêng không muốn bị nhìn thấy. Nếu khóc vì mè nheo, nhõng nhẽo, bé sẽ cố khóc thật to và có thể sà vào ngay một ai đó tỏ cử chỉ quan tâm đến mình và khóc nhiều hơn để tìm “đồng minh”.

Nhẹ nhàng nhưng thật kiên quyết

Nguyên tắc xử lý khi bé bắt đầu “nhõng nhẽo” là phải nghiêm khắc, kiên quyết và không chiều theo ý bé. Bạn cũng không nên quát tháo, vì như vậy không chỉ làm cho không khí thêm căng thẳng mà còn ảnh hưởng đến tâm lý bé. Lâu dài, bé sẽ trở nên sợ sệt hoặc ngược lại, trở nên “lì đòn” và bướng bỉnh hơn. Hãy kiên nhẫn dùng lời nói và hành động của mình, cho bé thấy bạn yêu thương nhưng sẽ không chiều theo mọi mong muốn của bé. Bạn có thể tham khảo hai trường hợp dưới đây.

Trường hợp 1:

Bạn đưa con đi siêu thị và bé đòi mua một món đồ chơi đắt tiền. Nếu không đồng ý, bạn có thể nói với bé rằng nên cố gắng học thật chăm, được nhiều phiếu bé ngoan để có được món quà mình muốn. Sau đó, hãy dứt khoát đi khỏi chỗ đó và không chần chừ lắng nghe thêm những lời mè nheo của con.

Nếu bé cứ nằng nặc đòi món quà đó và khóc to lên, gây chú ý của mọi người, bạn hãy cố gắng bình thản chọn những món mình muốn mua. Làm như vậy bé sẽ nhận ra rằng mình không quan tâm đến “trò mè nheo” của con. Bạn cũng có thể vờ đi chỗ khác (nhưng vẫn để mắt đến bé một cách kín đáo để chắc chắn bé an toàn và không bị lạc). Dứt khoát một vài lần như thế con sẽ tự khắc nhận ra nước mắt không đủ sức làm bạn đáp ứng mọi yêu cầu của bé.

Trường hợp 2:

Bé bình thường rất ngoan nhưng từ khi đi học thì bắt đầu khóc nhè, nhõng nhẽo hơn. Lý do là những ngày đầu đi học, bé tiếp xúc với môi trường ngoài gia đình nên còn lạ lẫm, nhớ người thân và có cảm giác bị bỏ rơi,… Lúc tan lớp, con có thể òa khóc khi thấy bố mẹ. Lúc này hãy vỗ về an ủi và chia sẻ những điều mới mẻ, vui vẻ mà bé có được ở trường. Tuy nhiên, cũng không nên quá “mềm lòng” vì có nhiều bé nói “Con không đi học đâu!”. Lúc này bạn có thể vừa khuyên vừa vỗ về, nhưng cũng kiên quyết đưa bé đến lớp hàng ngày.

Nhẹ nhàng nhưng kiến quyết là bí quyết "đối phó" với các em bé nhõng nhẽo

Tạo cho bé cơ hội vâng lời, và hợp tác với bạn

Hãy cho bé cơ hội hợp tác và vâng lời với bạn mỗi ngày bằng cách hình thành thói quen trò chuyện và giải thích cho bé. Ví dụ: bé đòi đồ chơi, hãy hỏi bé “con thật sự muốn chơi đồ chơi bây giờ?”. Sau khi bé trả lời, hãy giải thích cho bé vì sao bé không thể chơi (đến giờ ăn, ngủ, đi học,…). Cuối cùng thay vì từ chối thẳng “con không thể chơi” hãy cho bé một lựa chọn tích cực hơn như “con có thể chơi nhưng sau bữa ăn đã nhé!”.

Bên cạnh đó, bạn có thể làm cho bé các thẻ bé ngoan, và yêu cầu bé tích lũy để đề xuất nguyện vọng của mình. Mỗi lần bé làm một việc tốt (giúp mẹ dọn dẹp, tự tắm rửa, ăn cơm ngoan, đạt điểm cao,…) bạn có thể thưởng cho bé một thẻ. Nếu nguyện vọng hợp lý, bạn có thể đáp ứng khi bé được đủ số thẻ bạn yêu cầu. Làm như vậy con sẽ dễ dàng nghe lời hơn và tạo cho con một đức tính tốt là biết cố gắng.

Ngoài ra, bạn và gia đình cần có những thỏa thuận nhất quán trong việc dạy con. Nên cho con biết rằng làm việc gì cũng phải có sự đồng ý của người lớn và phải thực hiện những việc được yêu cầu. Ví dụ như rửa tay trước khi ăn, chỉ xem TV trong thời gian quy định,… Song song với đó, bạn cần sự hỗ trợ từ gia đình để tiến hành những “nội quy” này nghiêm túc nhất có thể.

Tùy từng lý do bé “nhõng nhẽo” mà bạn nên tỏ thái độ và cách cư xử hợp lý. Đôi lúc bố mẹ cần ôm và vỗ về để con cảm thấy mình được chia sẻ, yêu thương. Nhưng cũng có khi phải tỏ ra nghiêm khắc để con tự lập hơn. Hãy yêu thương bé một cách sáng suốt và xử lý đúng khi thấy bé có dấu hiệu “nhõng nhẽo”, bạn nhé!

Nguồn: Gia Đình Nestlé tổng hợp

Ảnh: TinyPic

Từ khóa Key learning tips