Chất sắt trong dinh dưỡng cho trẻ
Sắt (Fe) là một chất dinh dưỡng cần thiết để tạo hemoglobin, thành phần mang oxy của các tế bào máu đỏ (hồng cầu). Các tế bào hồng cầu lưu thông khắp cơ thể để cung cấp oxy cho tất cả các tế bào . Nếu không có đủ chất sắt, cơ thể sẽ thiếu hồng cầu, và các mô, cơ quan sẽ không nhận được lượng oxy cần thiết. Vì vậy, việc trẻ em và thanh thiếu niên nhận đầy đủ lượng sắt cần thiết trong khẩu phần ăn hàng ngày thì rất quan trọng
Nhu cầu sắt cần thiết cho trẻ?
Với mỗi độ tuổi khác nhau, lượng sắt mà cơ thể của trẻ cần sẽ thay đổi dần theo từng giai đoạn. Dưới đây là lượng sắt cần thiết cho mỗi giai đoạn trong quá trình phát triển của trẻ:
- Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ sẽ có đủ chất sắt từ sữa mẹ cho đến khi được 4-6 tháng tuổi. Vì vậy, trong giai đoạn này nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Và các bà mẹ nên tiếp tục uống bổ sung sắt và các vitamin để cung cấp đủ dưỡng chất trong sữa mẹ cho con.
- Trẻ lứa tuổi 7-12 tháng cần 11 mg sắt mỗi ngày. Trẻ em hơn 1 năm tuổi bú sữa mẹ nên được tăng cường chất sắt thông qua các loại ngũ cốc ăn dặm có bổ sung sắt hoặc sữa bột có bổ sung sắt.
- Trẻ mới biết đi cần 7 mg sắt mỗi ngày. Trẻ em tuổi từ 4-8 tuổi cần 10 mg trong khi trẻ lớn hơn 9-13 tuổi cần 8 mg sắt mỗi ngày.
- Bé trai dậy thì cần 11 mg sắt mỗi ngày trong khi bé gái dậy thì cần đến 15 mg sắt. (Đây là giai đoạn phát triển nhanh nhất ở trẻ, Việc bổ sung sắt đầy đủ sẽ ngăn ngừa bệnh thiếu máu ở bé gái khi chúng bắt đầu có chu kỳ kinh).
- Với những trẻ thường xuyên chơi thể thao thì có xu hướng mất nhiều sắt hơn; vì thế nên bổ sung thêm sắt trong khẩu phần ăn của chúng.
Thiếu sắt?
Thiếu sắt là một vấn đề đối với một số trẻ em, đặc biệt là trẻ mới biết đi và thiếu niên (đặc biệt là các bé gái trong độ tuổi dậy thì). Trong thực tế, nhiều trẻ em gái có nguy cơ thiếu sắt cao (trong chu kỳ kinh nguyệt) vì vậy chúng cần chế độ ăn chứa đủ sắt cần thiết để bù đắp sự mất máu trong chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, những trẻ thường xuyên chơi thể thao sẽ bị mất sắt qua mồ hôi trong khi tập luyện cường độ cao.
Sau 12 tháng tuổi, trẻ mới biết đi có nguy cơ thiếu sắt . Giải pháp bổ sung đầy đủ chất sắt là cho trẻ uống các loại sữa công thức có bổ sung sắt và có thể cho trẻ ăn dặm thêm ngũ cốc có tăng cường chất sắt hoặc cho bé ăn dặm đủ các loại thực phẩm có chứa sắt khác (thịt, cá, trứng, gan…) để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ phòng ngừa thiếu sắt, thiếu máu.
Nhiều gia đình sau khi dứt sữa mẹ thì chuyển cho con uống sữa bò hoàn toàn, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc uống nhiều sữa bò (hơn 710 ml mỗi ngày) cũng có thể khiến một đứa trẻ mới biết đi có nguy cơ thiếu sắt. Và đây là lý do:
- Sữa bò có rất ít hàm lượng sắt.
- Việc uống quá nhiều sữa bò sẽ khiến trẻ bị no, và đâm ra lười ăn dặm thêm những thực phẩm giàu chất sắt khác.
- Sữa bò làm giảm hấp thu sắt và cũng có thể gây kích ứng niêm mạc của ruột.
Thiếu sắt có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ và gây ra bệnh thiếu máu thiếu sắt.
Nhiều người bị thiếu máu do thiếu sắt không có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào rõ ràng. Tuy nhiên, cũng như tiến triển của bệnh thiếu máu, một số các triệu chứng này có thể xuất hiện:
- Mệt mỏi và gầy yếu.
- Nhịp tim nhanh hơn bình thường.
- Dễ bị kích thích
- Giảm sự thèm ăn
- Chóng mặt hoặc cảm giác là đầu óc quay cuồng
- Da xanh, niêm nhợt
Nếu con của bạn có những triệu chứng trên, hay đưa chúng đến bác sĩ để kiểm tra.
Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều sắt cũng có thể gây ra vấn đề sức khỏe,vì vậy không bao giờ bổ sung sắt cho trẻ mà thiếu sự tư vấn của bác sĩ.
Sắt trong thực đơn dinh dưỡng hàng ngày
Cơ thể dễ dàng hấp thụ sắt từ thịt hơn so với sắt từ thực vật, các loại thực phẩm giàu chất sắt là:
- Thịt đỏ
- Thịt gia cầm
- Cá ngừ
- Cá hồi
- Trứng
- Đậu phụ
- Đậu khô và đậu Hà Lan
- Hoa quả sấy khô
- Rau lá xanh đậm
Ngoài ra, bạn cũng có thể chú ý những cách dưới đây để đảm bảo con mình nhận được đầy đủ chất sắt mỗi ngày:
- Hạn chế lượng sữa của trẻ vào khoảng 470-710 ml một ngày.
- Tiếp tục cho trẻ ăn thêm ngũ cốc tăng cường chất sắt cho đến khi trẻ được 18-24 tháng tuổi.
- Cho trẻ ăn thêm các loại thực phẩm giàu chất sắt cùng với các thực phẩm có chứa vitamin C như cà chua, bông cải xanh, cam, và dâu tây – nhằm cải thiện sự hấp thụ sắt của cơ thể.
- Tránh cho trẻ uống trà hoặc cafe - cả hai đều có chứa chất tanin làm giảm hấp thu sắt.
Dự trữ các loại thực phẩm giàu chất sắt hoặc tăng cường các bữa ăn và ăn vặt mỗi ngày. Và hãy dạy cho con bạn rằng sắt là một thành phần quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh.
Nguồn Giadinhnestle, lược dịch từ kidhealth.org